Cải cách thể chế, chính sách về lĩnh vực VLXD đạt hiệu quả tích cực
Cập nhật lúc : 15:48 19/02/2019
Năm 2018 được đánh giá là năm thị trường vật liệu xây dựng phát triển ổn định, bền vững mà một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công này là do công tác cải cách thể chế, chính sách về lĩnh vực này đã được đẩy mạnh và hoàn thiện hơn nữa.
Công tác phổ biến pháp luật, các quy hoạch được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; qua đó tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các chủ thể khác trong việc thực thi pháp luật.
Thực hiện các Nghị Quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của các địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các lĩnh vực vật liệu xây dựng và cơ khí ngành Xây dựng, năm 2018, Vụ Vật liệu xây dựng đã thực hiện 265 văn bản. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý thực hiện hàng loạt các quy hoạch khác.
Nhờ nỗ lực cải cách thể chế nên kết quả sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp đều khả quan: Về sứ vệ sinh: Sản lượng sản xuất và tiêu thụ năm 2018 dự kiến đạt khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng 10% so với năm 2017; sản lượng sản xuất và tiêu thụ kính xây dựng năm 2018 dự kiến đạt khoảng 265 triệu m2; sản xuất và tiêu thụ vôi đạt trên 2,5 triệu tấn, tổng công suất các lò vôi công nghiệp (31 lò) là 2,495 triệu tấn/năm. Đến nay, đã xóa bỏ được 75% lò vôi thủ công.
Nhờ có sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực đổi mới của Bộ Xây dựng nên kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có những bước tiến đáng kể.
Trong lĩnh vực kính: Đã tôi nhiệt được kính có chiều dày 5÷19mm, khổ lớn nhất 2800mmx700mm; kính dán an toàn có chiều dày 6,38÷25,52mm, khổ lớn nhất 2134mmx3048mm; kính siêu trắng có chiều dày 2÷19mm, khổ lớn nhất 2134 mmx4600mm.
Lĩnh vực sứ vệ sinh: Một số đơn vị đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao; đầu tư phát triển các phụ kiện đồng bộ hiện đại, góp phần tăng giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm.
Lĩnh vực gạch ốp lát: Công nghệ và thiết bị ngày càng được đầu tư đồng bộ, tiến tiến, hiện đại với modul công suất lớn đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm gạch ốp lát với chủng loại đa dạng như gạch ceramic, gạch granit, gạch cotto, gạch mosaic có kích thước lớn, sản phẩm mỏng, trọng lượng nhẹ; màu sắc hoa văn phong phú…
Lĩnh vực xử lý tro, xỉ, thạch cao: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12249:2018 tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp, yêu cầu chung đã được công bố.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn tham gia thẩm định, góp ý các quy hoạch phát triển vật liệu địa phương; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện đối với nhiều địa phương, doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao….
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung đã được ban hành nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện, doanh nghiệp đầu tư chưa được hưởng ưu đãi.
Một số địa phương chưa xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; việc đầu tư cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên ở nhiều nơi, tuy nhiên, tiêu thụ còn hạn chế.
Các chủ dự án công trình xây dựng và chính quyền địa phương bị động trong việc cân đối nguồn cung cát xây dựng, việc sử dụng nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên, còn rất hạn chế (do nhiều nguyên nhân như: Thói quen, tập quán, giá cát nghiền cao, vật liệu tro, xỉ, phế thải thay thế làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp chưa được khuyến khích và có chế tài bắt buộc sử dụng). Do đó, các công trình hiện nay vẫn tập trung sử dụng cát tự nhiên dẫn đến khi nguồn cung thiếu đẩy giá cát xây dựng tăng.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật như: Xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng cho phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản và một số luật khác liên quan.
Soạn thảo Thông tư hướng dẫn trong việc kiểm tra, kiểm soát các chỉ tiêu tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, phát thải môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng của các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Chủ trì tổ chức lập nhiệm vụ “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Chủ trì xây dựng “Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050”.
Đồng thời, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực vật liệu xây dựng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại một số địa phương; rà soát các quy hoạch về khoáng sản làm vật liệu xây dựng; hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn; rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước…
ximang.vn (TH/ Xây dựng)
TT Huế: Xây dựng lộ trình thay thế cát lòng sông
Cập nhật lúc : 15:46 19/02/2019
Thông tin từ Sở Xây dựng, Sở đã nghiên cứu, rà soát nguồn nguyên liệu thay thế đối với vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, một số vật liệu có thể sử dụng gồm cát nghiền (cát nhân tạo), đá mi, cát lòng hồ thủy điện, cát nội đồng.
Cụ thể, Thừa Thiên Huế có tiềm năng đá xây dựng lớn gồm các khối granit Khe Băng, Bến Tuần, núi Vôi, Hải Vân với tài nguyên dự báo cấp 334 đến 779 triệu m3. Cát nội đồng có trữ lượng lớn nhưng chưa được sử dụng. Việc xây dựng các hồ thủy điện sẽ có một lượng cát tích tụ trong lòng hồ. Trên địa bàn, trữ lượng cát tại các lòng hồ chưa có số liệu cụ thể và rất có tiềm năng khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác cát lòng hồ thủy điện phải có phương án, quy trình, quy phạm khai thác thống nhất giữa chủ khai thác và cơ quan quản lý hồ thủy điện để việc khai thác cát không ảnh hưởng đến vận hành nhà máy thủy điện.
Để hạn chế sử dụng cát lòng sông đồng thời đưa các vật liệu khác thay thế cát lòng sông trong xây dựng, ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất cần yêu cầu các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư không sử dụng cát vào việc san lấp mặt bằng, đắp nền đường (trừ một số trường hợp bắt buộc phải xử lý nền đường bằng cát) cho các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến để người dân hạn chế sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng, san nền. Nâng cao năng lực và vai trò trách nhiệm của đơn vị được cấp giấy phép và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đầu tiên về quản lý khai thác cát.
Trước mắt, đề nghị UBND các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc tổ chức rà soát các mỏ cát nội đồng trên địa bàn quản lý, nghiên cứu phương án sử dụng để thay thế một phần cát tự nhiên làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cũng theo ông Viên, về lâu dài, kiến nghị sử dụng cát nghiền làm vật liệu thay thế cát xây dựng. Lộ trình cụ thể từ nay đến quý II/2019 hoàn thiện lựa chọn phương án sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên, xây dựng kế hoạch thay thế vật liệu cát xây dựng bằng các loại vật liệu khác.
Quý II/2019 đến quý III/2020 ban hành các chính sách kêu gọi hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, phấn đấu xây dựng 1 cơ sở sản xuất cát nghiền và triển khai áp dụng thí điểm tại các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Quý IV/2021 sẽ tiến hành đánh giá, nhân rộng mô hình kêu gọi đầu tư để sử dụng cát nghiền làm vật liệu thay thế cát tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh để chế tạo bê tông và vữa xây dựng.
ximang.vn (TH/ Báo TT Huế)
Công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020
Cập nhật lúc : 15:45 19/02/2019
Sở Xây dựng Tây Ninh vừa tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Tài nguyên thiên nhiên thì hữu hạn nhưng nhu cầu của con người là vô hạn. Việc khai thác tài nguyên nhiên để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhu cầu cần thiết của đất nước, tuy nhiên, nếu khai thác quá mức cung cấp của tự nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường như tàn phá môi trường, gây biến đổi khí hậu, thiên tai. Để quản lý việc khai thác tài nguyên, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động này.
Tại Tây Ninh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Sau khi được giao nhiệm vụ, Sở đã tích cực cùng các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lập dự thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành lân cận như Long An, Bình Dương, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh; cũng như lấy ý kiến các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 26.12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3171 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 3172 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tương Quốc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh căn cứ vào điều tra, tổng hợp, phân tích, đánh giá thực trạng ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh ở thời điểm này.
Quy hoạch cũng đánh giá đúng đắn các yếu tố, nguồn lực và những thuận lợi cơ bản tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian tới. Trên cơ sở quy hoạch, xác định cơ cấu, bước đi, mục tiêu, quan điểm phát triển và xây dựng quy hoạch phát triển đối với từng chủng loại vật liệu xây dựng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 có tính khoa học và khả thi cao.
Đối với Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh vừa được tỉnh phê duyệt đã đánh giá toàn diện hiện trạng và khả năng khai thác nguồn tài nguyên làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh; xác định danh mục và phân kỳ quy hoạch khoáng sản theo từng giai đoạn, cũng như kế thừa, phát huy các ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của kỳ quy hoạch trước.
ximang.vn (TH/ Báo Tây Ninh)
10 vấn đề nổi bật của ngành xi măng Việt Nam năm 2018
Cập nhật lúc : 14:41 19/02/2019
Năm 2018 được coi là năm thành công mỹ mãn của ngành xi măng Việt Nam. Sau đây, ximang.vn xin điểm lại một số vấn đề nổi bật của ngành trong năm qua, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Kết thúc 2018, ngành XMVN có thể đạt sản lượng xuất khẩu 33 triệu tấn, với kim ngạch 1,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu xi măng vượt qua mốc 1 tỷ USD. Điều này có được chủ yếu do TQ cắt giảm sản lượng mạnh mẽ và trở thành nước nhập khẩu xi măng từ VN.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, xuất khẩu xi măng là con dao hai lưỡi. Tạm thời có thể giải tỏa năng lực sản xuất trong nước, nhưng về lâu dài, đây không phải là giải pháp bền vững. Xi măng là ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, xuất khẩu nhiều sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là trong bối cảnh bị ép giá, lợi nhuận không lớn.
Giữ vững ổn định thị trường nội địa.
Năm 2018, thị trường BĐS nội địa phát triển khá ổn định, nhiều dự án được triển khai và giải ngân tốt nên ngành xi măng được hưởng lợi. Nhiều dự án đầu tư công (giao thông, thủy lợi, hạ tầng…) đã được cấp tập triển khai nên thị trường nội địa cơ bản phát triển tốt với mức tăng trưởng khoảng 10%. Tổng sản lượng tiêu thụ nội địa dự kiến đạt trên 63 triệu tấn, nâng tổng mức sản xuất toàn ngành lên 96 triệu tấn.
Về lâu dài, thị trường nội địa vẫn là thị trường bền vững với gần 100 triệu dân và đất nước đang vào giai đoạn phát triển khá ổn định, đặc biệt xu thế dịch chuyển đầu tư từ TQ sang VN do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các doanh nghiệp xi măng nên có sự tập trung cần thiết cho phát triển thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Ngành xi măng được hưởng lợi từ mức thuế xuất 0%.
Mặc dù chính sách này đã được chính phủ công bố từ cuối 2017, nhưng thực sự 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu mới được hưởng lợi. Điều này đã kích thích mạnh mẽ xuất khẩu, giúp nhiều nhà máy mà trong năm 2017 gặp rất nhiều khó khăn, sang 2018 đã đẩy mạnh xuất khẩu, vượt qua cơn bĩ cực để ổn định sản xuất.
Đặc biệt, vừa rồi ngày 12/12/2018, Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời Bộ Tài chính về việc khẳng định clinker không phải là tài nguyên khoáng sản. Điều này cũng sẽ tháo gỡ một số vướng mắc về thuế và hải quan cho ngành xi măng.
Chú trọng phát triển bền vững.
Năm 2018 cũng là năm ghi dấu ấn nhiều Doanh nghiệp xi măng đã thay đổi nhận thức, chuyển hướng để phát triển bền vững. Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt khí thải, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu nhận thức rõ sự hiệu quả của việc này.
Hàng loạt nhà máy bắt đầu chú trọng đến việc đánh giá, kiểm toán năng lượng trong dây chuyền sản xuất để có phương án hiệu chỉnh cần thiết.
Tận dụng nguồn phế thải làm phụ gia.
Đứng trước những khó khăn về nguồn phụ gia cho xi măng, nhất là thạch cao, nhiều nhà máy xi măng đã chủ động nghiên cứu sử dụng nguồn phế thải từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón.
Từ 2014, chính phủ đã có Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, phân bón làm vật liệu xây dựng. Nhưng sau một thời gian nghiên cứu thử nghiệm, phải đến 2018, ngành xi măng mới thực sự đem vào sử dụng đại trà.
Điều này góp phần tiêu thụ lượng lớn chất thải từ 2 ngành công nghiệp này, giải quyết bài toán khủng hoảng bãi chứa tro xỉ và thạch cao. Mặt khác, ngành xi măng cũng chủ động hơn đối với nguồn phụ gia này và giảm đáng kể chi phí so với nhập khẩu.
Đổi mới công nghệ, tăng chất lượng, giảm chi phí.
Trước sức ép cắt giảm chi phí để cạnh tranh, nhiều nhà máy đã chủ động cải tiến công nghệ đốt, công nghệ nghiền để giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, tiết kiệm năng lượng. Nhiều nhà máy đã có thể tăng tỷ lệ pha phụ gia nghiền lên đến 35- 40% mà xi măng vẫn đảm bảo đạt mác và các thông số kỹ thuật khác.
Điều này giúp nhà máy giảm chi phí đáng kể qua việc giảm tiêu thụ nguyên nghiên vật liệu, như lượng than, điện; giảm khối lượng khai thác đá vôi, đá sét, góp phần bảo toàn lượng tài nguyên không tái tạo.
Quy hoạch 1488 hết hiệu lực.
Đến nay, sự phát triển của ngành xi măng đã trải qua 3 lần điều chỉnh quy hoạch bởi TTCP: năm 2002 với Quyết định 164, năm 2005 với Quyết định 108 và năm 2011 với Quyết định 1488. Đây không phải là Bộ luật nhưng là văn bản quan trọng chi phối sự phát triển của ngành xi măng trong suốt thời gian qua.
Với sự ra đời của Luật Quy hoạch 2017, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, Quy hoạch xi măng đi kèm Quyết định 1488/2011/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 nghiễm nhiên hết hiệu lực. Ngành xi măng sẽ bị chi phối bởi Luật Quy hoạch, trong đó cụ thể là Phụ lục số 33 - Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng đang triển khai lập đề án Chiến lược phát triển ngành xi măng đến năm 2030.
Năng suất lao động thấp.
Bên cạnh các điểm tích cực, ngành xi măng vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, như vấn đề năng suất lao động. Vấn đề này đã được Hiệp hội xi măng đề cập nhiều và đây là điểm mấu chốt để ngành xi măng có thể tái cấu trúc, chuyển mình có hiệu quả.
Xi măng là ngành có khả năng tự động hóa khá cao, nhưng số lượng nhân công còn lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước. Nhân sự có nhiều biến động, thiếu tính ổn định. Điều này dẫn đến việc vận hành, quản trị, thực thi chiến lược… không dài hạn, bền vững.
Khả năng quản trị còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp xi măng được cho là chậm cập nhật các kiến thức quản trị mới. Lo sản xuất kinh doanh nên ít có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, mạnh dạn áp dụng các phương thức quản trị hiện đại, tiên tiến. Dẫn đến nhiều khâu chồng chéo, thiếu hiệu quả.
Một số đơn vị sở hữu dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại nhưng Ban Lãnh đạo chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa thiết kế được quy trình sản xuất – kinh doanh phù hợp hiệu quả, dấn đến đơn vị bê bết, nợ nần trong nhiều năm, chưa tìm ra lối thoát.
Trong bối cảnh cạnh tranh, ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp cần có sự hiệu chỉnh cần thiết trong quản trị, mạnh dạn xóa bỏ cái cũ, cập nhật cái mới, minh bạch hóa thông tin… là các yếu tố sống còn để có thể tồn tại và phát triển trong thời gian tới.
Chưa chú trọng kiểm soát được ô nhiễm môi trường.
Cũng từ vấn đề nhận thức và quản trị, nhiều đơn vị đã không kiểm soát được việc phát thải ra môi trường. Liên tục có nhiều đơn vị vi phạm các yếu tố đảm bảo môi trường, bị người dân phản đối, thậm trí dẫn đến bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động để khắc phục.
Môi trường luôn là yếu tố nhạy cảm nhất trong ngành xi măng. Nếu muốn ổn định để phát triển, các doanh nghiệp cần chú trọng, lường trước các rủi ro có thể xảy ra, có thể ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân và bị cơ quan chức năng can thiệp.
Ximang.vn
Nhiều doanh nghiệp xi măng vượt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh
Cập nhật lúc : 15:58 18/02/2019
Năm 2018, nhờ tiêu thụ tốt lên ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, với tổng lượng sản phẩm tiêu thụ vượt 95 triệu tấn, đã giúp nhiều doanh nghiệp xi măng không chỉ hoàn thành mà còn vượt chỉ tiêu kinh doanh.
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM – sàn HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 với doanh thu đạt gần 510 tỷ đồng, tăng 29,11% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 17,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái chưa tới 200 triệu đồng.
Lũy kế cả năm 2018, Vicem Hoàng Mai đạt 1.733 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,94% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế 19,37 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với năm trước (lãi 1,6 tỷ đồng).
Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận có sự cải thiện đáng kể trong năm qua, Vicem Hoàng Mai cho biết là do gia tăng được sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker.
Như vậy, với mục tiêu đề ra trong năm 2018 đạt doanh thu 1.501,9 tỷ đồng, lợi nhuận 18,41 tỷ đồng, năm qua, Vicem Hoàng Mai đã hoàn thành vượt 15,43% kế hoạch doanh thu và vượt 5,21% kế hoạch lợi nhuận.
Trong khi đó, một doanh nghiệp xi măng lớn nhất trong khối Vicem là Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 cũng có một năm sản xuất kinh doanh vượt kỳ vọng.
Luỹ kế cả năm 2018, HT1 đạt doanh thu 8.376,4 tỷ đồng. Dù doanh thu chỉ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty lại tăng rất mạnh, đạt gần 645 tỷ đồng tăng 32,4% so với cùng kỳ.
Cần phải nói thêm, năm 2018 HT1 chỉ đặt mục tiêu đạt 8.330 tỷ đồng doanh thu và 575 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng thực tế Công ty đã về đích vượt mức kế hoạch khá cao. Theo đó kết thúc năm 2018, doanh thu đã tăng thêm được 46 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế tăng thêm được 70 tỷ đồng so với mục tiêu đề ra.
Năm qua, Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Ông Trần Quang Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả cho biết, kết thúc năm 2018, Công ty đạt doanh thu 2.600 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 78,1 tỷ đồng. Công ty đã sản xuất 1,95 triệu tấn clinker, và trên 2,4 triệu tấn xi măng.
Báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), kết thúc năm 2018, toàn ngành xi măng đã tiêu thụ trên 95 triệu tấn sản phẩm, trong khi đó, tổng quy mô công suất các dây chuyền là 99 triệu tấn.
Thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 64,5 triệu tấn và xuất khẩu 31,6 triệu tấn, đạt trị giá 1,246 tỷ USD
Được biết, 2019 được dự báo là năm thuận lợi cho tiêu thụ của ngành xi măng, bởi vậy, mục tiêu của một số doanh nghiệp đề ra cũng nhích hơn 2018. Đơn cử, mục tiêu của Xi măng Cẩm Phả trong năm 2019 là sản xuất 1,95 triệu tấn tấn đạt 103,2% công suất thiết kế, xi măng: 2.470.000 tấn, tổng doanh thu 2.737 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136,7 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu kinh doanh trong năm 2019, Xi măng Cẩm Phả tiếp tục mở rộng kênh phân phối, đưa sản phẩm PCB30 ra thị trường, hoàn thành công tác sửa chữa lớn đúng kế hoạch, yêu cầu; đặc biệt trong công tác kinh doanh cần điều chỉnh lại cơ cấu thị trường tiêu thụ.
Trong các giải pháp tìm cơ hội tăng trưởng trong năm 2019, vừa qua, Xi măng Cẩm Phả vừa ra mắt sản phẩm mới có tên “Xi măng Cẩm Phả đa dụng PCB30” sau hơn 1 năm nghiên cứu sản xuất.
Theo ban lãnh đạo Công ty, để đáp ứng tốt hơn nữa những đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao của thị trường xây dựng, trong hơn 1 năm qua, Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đã sản xuất thành công sản phẩm xi măng mới có chất lượng đáp ứng được những yêu cầu cao nhất về chất lượng xi măng trong xây dựng dân dụng.
Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất xi măng này cho biết, chỉ tập trung phát triển thị trường xi măng nội địa do hiệu quả cao hơn thị trường xuất khẩu.
ximang.vn (TH/ Đầu tư)
Bê tông đúc sẵn - Vật liệu thân thiện với môi trường cho nhiều công trình xây dựng
Cập nhật lúc : 15:56 18/02/2019
Khí thải, nước thải độc hại từ việc trộn, đổ bê tông tại các nhà máy sản xuất, các công trình xây dựng luôn là vấn đề đáng quan tâm tại Việt Nam. Tuy nhiên bằng ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng loại vật liệu vốn không còn xa lạ như bê tông đúc sẵn sẽ phần nào khắc phục được tình trạng này.
Với quy mô xây dựng như như các công trình nhà ở tại Việt Nam, nhiều nơi vẫn quen dùng bê tông tự trộn với quy trình khá thủ công vừa mất thời gian lại đòi hỏi phải sử dụng nhiều công nhân. Hơn thế nữa cách làm này còn mang lại khá nhiều rủi ro về chất lượng như tỉ lệ pha trộn không chính xác, đồng thời gây ô nhiễm môi trường không khí và ảnh hưởng sức khở của những người dân trong khu vực.
Các tấm bê tông đúc sẵn được sản xuất ra tại các nhà máy sau đó vận chuyển đến các điểm thi công xây dựng, các lớp bê tông này bên ngoài được bao phủ bằng chất độn nhẹ như lớp cách nhiệt bằng bọt.
Một số dạng khối bê tông khác được làm hoàn toàn bằng bê tông nhưng có các khoang rỗng lớn bên trong. Các tấm bê tông đúc sẵn thường được sử dụng cho các bức tường, mặt tiền vì có khả năng chống chịu thời tiết.
Bê tông đúc sẵn có tính linh hoạt cao và có thể dùng bổ sung cho bất kỳ dự án xây dựng từ nhà nhỏ đến các công trình thương mại. So với bê tông thông thường, sử dụng bê tông đúc sẵn giúp tiết kiệm vật liệu hơn, chống lại hỏa hoạn, ngấm nước.
Các tấm bê tông đúc sẵn có hệ số bền vững thậm chí còn cao hơn nhiều bê tông truyền thống bởi sản xuất và lắp ráp các tấm này thường tốn ít năng lượng hơn. Sử dụng bê tông thông thường hay có tình trạng bị xuống cấp theo thời gian nhưng bê tông đúc sẵn luôn có tính ưu việt hơn vì có độ bền khá cao.
Tấm bê tông đúc sẵn có thể được sản xuất hàng loạt với các hình dạng, kích cỡ và thiết kế khác nhau, dễ dàng trong việc tháo rời, di chuyển hoặc giúp cho các công trình thi công nhanh, ít chất thải, tiếng ồn trong quá trình thi công và có tuổi thọ cao. Bê tông đúc sẵn có ưu thế không phát ra chất độc hại vào đất, nước, không khí theo thời gian.
Mỗi tấm bê tông đúc sẵn được tạo ra bằng cách đổ bê tông vào khuôn trong điều kiện giám sát, đảm bảo kết quả chính xác trong từng lần đổ. Do không bị xáo trộn bởi yếu tố môi trường nên khi bê tông lắng xuống không có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng nhỏ.
Bê tông đúc sẵn thân thiện môi trường cũng bởi khả năng tái hấp thu carbon lên đến 40% trong suốt vòng đời của cấu trúc. Vào vòng đời cuối, bê tông đúc sẵn có thể được tái chế hoàn toàn, sự ổn định của bê tông đúc sẵn trong suốt vòng đời mang lại môi trường sống trong lành, không khói và hóa chất.
Nhiều tuyến đường của Hà Nội cũng sử dụng loại vật liêu này vì nó có tính năng thoát nước hiệu quả. Đồng thời, do thời gian thi công nhanh và không gây cản trở giao thông nên giúp giảm giá thành, nâng cao tính thẩm mỹ, tăng tuổi thọ, tránh trơn trượt, giúp cho người đi bộ an toàn hơn.
Với độ bền cao, tiết kiệm vật liệu, chi phí sản xuất, khả năng ứng dụng linh hoạt, thân thiện với môi trường, bê tông đúc sẵn là lựa chọn cho nhiều công trình xây dựng tại Việt Nam.
ximang.vn (TH/ Xây dựng)
Hướng đi mới cho vật liệu xây không nung tiếp cận thị trường
Cập nhật lúc : 15:51 18/02/2019
Tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung so với gạch đất sét nung là xu hướng tất yếu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cùng việc làm chủ công nghệ, đã mở ra những hướng đi mới cho loại vật liệu này trong việc tiếp cận thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, việc khuyến khích sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung đã được quy định trong nhiều cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, tại Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg đưa ra mục tiêu hàng năm sử dụng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp như tro, xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao… để sản xuất vật liệu xây không nung; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Hơn nữa, còn quy định, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vât liệu xây.
Đặc biệt, theo Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quản lý vật liệu xây dựng đã có các ưu đãi đầu tư cho dự án sản xuất vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) có công suất cho một dây chuyền từ 50.000 m3/năm trở lên; dự án sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng - cốt liệu) có công suất cho một dây chuyền từ 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên.
Bên cạnh đó, còn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 Luật Đầu tư. Cụ thể, được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất… Ngoài ra, còn được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 9 và Điều 39 của Luật Chuyển giao công nghệ…
Nếu muốn đưa gạch không nung ứng dụng rộng rãi vào thực tế thì giá cả phải hấp dẫn và thông tin phải đến người sử dụng một cách đầy đủ. Chính các ưu đãi này sẽ giúp hạ giá thành cho sản phẩm gạch không nung, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hiệp nói.
Đồng quan điểm, PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để gạch không nung được đón nhận nhiều hơn trong cuộc sống.
Đầu tư công nghệ tiên tiến
Theo PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên, để gạch không nung đảm bảo chất lượng, cần đảm bảo nguyên liệu xi măng, cốt liệu, phụ gia khoáng, phụ gia hóa học và nước đảm bảo chất lượng; thành phần phối liệu hợp lý đảm bảo mác thiết kế; quá trình trộn với độ đồng nhất cao; tạo hình trên thiết bị rung ép được lèn chặt tốt; độ đồng đều các viên gạch trong một lần ép cao; được bảo dưỡng trong môi trường ẩm bão hòa đến khi ổn định thể tích.
Hiện nay, có nhiều dây chuyền sản xuất gạch không nung công nghệ tiên tiến, công suất lớn đã được đầu tư. Tại các nhà máy như: Tân Thành 9 Thanh Hóa; Trần Châu, Hà Tĩnh; Đại Dũng Xanh, TP. Hồ Chí Minh, mỗi ca sản xuất chỉ từ 3 - 5 nhân viên. Trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền để gạch không nung được đón nhận nhiều hơn trong cuộc sống.
Với việc dùng các dây chuyền hiện đại và sản xuất với năng suất cao, giá thành gạch không nung sẽ rẻ và cạnh tranh được với gạch đất sét nung, PGS-TSKH. Bạch Đình Thiên khẳng định.
ximang.vn (TH/ Công thương)
Bản quyền thuộc Công ty hữu hạn Xi măng Luks (Viet Nam)
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://ximangluks.vn/