lukscementhue@gmail.com (0234) 3557 012

Tin tức ngành xi măng

Cập nhật lúc : 14:41 19/02/2019

10 vấn đề nổi bật của ngành xi măng Việt Nam năm 2018

Năm 2018 được coi là năm thành công mỹ mãn của ngành xi măng Việt Nam. Sau đây, ximang.vn xin điểm lại một số vấn đề nổi bật của ngành trong năm qua, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn những hạn chế, bất cập.


Kết thúc 2018, ngành XMVN có thể đạt sản lượng xuất khẩu 33 triệu tấn, với kim ngạch 1,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu xi măng vượt qua mốc 1 tỷ USD. Điều này có được chủ yếu do TQ cắt giảm sản lượng mạnh mẽ và trở thành nước nhập khẩu xi măng từ VN.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, xuất khẩu xi măng là con dao hai lưỡi. Tạm thời có thể giải tỏa năng lực sản xuất trong nước, nhưng về lâu dài, đây không phải là giải pháp bền vững. Xi măng là ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, xuất khẩu nhiều sẽ làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là trong bối cảnh bị ép giá, lợi nhuận không lớn.

Giữ vững ổn định thị trường nội địa.

Năm 2018, thị trường BĐS nội địa phát triển khá ổn định, nhiều dự án được triển khai và giải ngân tốt nên ngành xi măng được hưởng lợi. Nhiều dự án đầu tư công (giao thông, thủy lợi, hạ tầng…) đã được cấp tập triển khai nên thị trường nội địa cơ bản phát triển tốt với mức tăng trưởng khoảng 10%. Tổng sản lượng tiêu thụ nội địa dự kiến đạt trên 63 triệu tấn, nâng tổng mức sản xuất toàn ngành lên 96 triệu tấn.

Về lâu dài, thị trường nội địa vẫn là thị trường bền vững với gần 100 triệu dân và đất nước đang vào giai đoạn phát triển khá ổn định, đặc biệt xu thế dịch chuyển đầu tư từ TQ sang VN do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các doanh nghiệp xi măng nên có sự tập trung cần thiết cho phát triển thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Ngành xi măng được hưởng lợi từ mức thuế xuất 0%.

Mặc dù chính sách này đã được chính phủ công bố từ cuối 2017, nhưng thực sự 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu mới được hưởng lợi. Điều này đã kích thích mạnh mẽ xuất khẩu, giúp nhiều nhà máy mà trong năm 2017 gặp rất nhiều khó khăn, sang 2018 đã đẩy mạnh xuất khẩu, vượt qua cơn bĩ cực để ổn định sản xuất.

Đặc biệt, vừa rồi ngày 12/12/2018, Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời Bộ Tài chính về việc khẳng định clinker không phải là tài nguyên khoáng sản. Điều này cũng sẽ tháo gỡ một số vướng mắc về thuế và hải quan cho ngành xi măng.

Chú trọng phát triển bền vững.

Năm 2018 cũng là năm ghi dấu ấn nhiều Doanh nghiệp xi măng đã thay đổi nhận thức, chuyển hướng để phát triển bền vững. Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án lắp đặt hệ thống phát điện nhiệt khí thải, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu nhận thức rõ sự hiệu quả của việc này.

Hàng loạt nhà máy bắt đầu chú trọng đến việc đánh giá, kiểm toán năng lượng trong dây chuyền sản xuất để có phương án hiệu chỉnh cần thiết.

Tận dụng nguồn phế thải làm phụ gia.

Đứng trước những khó khăn về nguồn phụ gia cho xi măng, nhất là thạch cao, nhiều nhà máy xi măng đã chủ động nghiên cứu sử dụng nguồn phế thải từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón.
 


Từ 2014, chính phủ đã có Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, phân bón làm vật liệu xây dựng. Nhưng sau một thời gian nghiên cứu thử nghiệm, phải đến 2018, ngành xi măng mới thực sự đem vào sử dụng đại trà.

Điều này góp phần tiêu thụ lượng lớn chất thải từ 2 ngành công nghiệp này, giải quyết bài toán khủng hoảng bãi chứa tro xỉ và thạch cao. Mặt khác, ngành xi măng cũng chủ động hơn đối với nguồn phụ gia này và giảm đáng kể chi phí so với nhập khẩu.

Đổi mới công nghệ, tăng chất lượng, giảm chi phí.

Trước sức ép cắt giảm chi phí để cạnh tranh, nhiều nhà máy đã chủ động cải tiến công nghệ đốt, công nghệ nghiền để giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, tiết kiệm năng lượng. Nhiều nhà máy đã có thể tăng tỷ lệ pha phụ gia nghiền lên đến 35- 40% mà xi măng vẫn đảm bảo đạt mác và các thông số kỹ thuật khác.

Điều này giúp nhà máy giảm chi phí đáng kể qua việc giảm tiêu thụ nguyên nghiên vật liệu, như lượng than, điện; giảm khối lượng khai thác đá vôi, đá sét, góp phần bảo toàn lượng tài nguyên không tái tạo.

Quy hoạch 1488 hết hiệu lực.
Đến nay, sự phát triển của ngành xi măng đã trải qua 3 lần điều chỉnh quy hoạch bởi TTCP: năm 2002 với Quyết định 164, năm 2005 với Quyết định 108 và năm 2011 với Quyết định 1488. Đây không phải là Bộ luật nhưng là văn bản quan trọng chi phối sự phát triển của ngành xi măng trong suốt thời gian qua.
 


 

Với sự ra đời của Luật Quy hoạch 2017, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019, Quy hoạch xi măng đi kèm Quyết định 1488/2011/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 nghiễm nhiên hết hiệu lực. Ngành xi măng sẽ bị chi phối bởi Luật Quy hoạch, trong đó cụ thể là Phụ lục số 33 - Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng đang triển khai lập đề án Chiến lược phát triển ngành xi măng đến năm 2030.

Năng suất lao động thấp.

Bên cạnh các điểm tích cực, ngành xi măng vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, như vấn đề năng suất lao động. Vấn đề này đã được Hiệp hội xi măng đề cập nhiều và đây là điểm mấu chốt để ngành xi măng có thể tái cấu trúc, chuyển mình có hiệu quả.

Xi măng là ngành có khả năng tự động hóa khá cao, nhưng số lượng nhân công còn lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước. Nhân sự có nhiều biến động, thiếu tính ổn định. Điều này dẫn đến việc vận hành, quản trị, thực thi chiến lược… không dài hạn, bền vững.

Khả năng quản trị còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp xi măng được cho là chậm cập nhật các kiến thức quản trị mới. Lo sản xuất kinh doanh nên ít có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, mạnh dạn áp dụng các phương thức quản trị hiện đại, tiên tiến. Dẫn đến nhiều khâu chồng chéo, thiếu hiệu quả.

Một số đơn vị sở hữu dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại nhưng Ban Lãnh đạo chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa thiết kế được quy trình sản xuất – kinh doanh phù hợp hiệu quả, dấn đến đơn vị bê bết, nợ nần trong nhiều năm, chưa tìm ra lối thoát.

Trong bối cảnh cạnh tranh, ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp cần có sự hiệu chỉnh cần thiết trong quản trị, mạnh dạn xóa bỏ cái cũ, cập nhật cái mới, minh bạch hóa thông tin… là các yếu tố sống còn để có thể tồn tại và phát triển trong thời gian tới.

Chưa chú trọng kiểm soát được ô nhiễm môi trường.

Cũng từ vấn đề nhận thức và quản trị, nhiều đơn vị đã không kiểm soát được việc phát thải ra môi trường. Liên tục có nhiều đơn vị vi phạm các yếu tố đảm bảo môi trường, bị người dân phản đối, thậm trí dẫn đến bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động để khắc phục.

Môi trường luôn là yếu tố nhạy cảm nhất trong ngành xi măng. Nếu muốn ổn định để phát triển, các doanh nghiệp cần chú trọng, lường trước các rủi ro có thể xảy ra, có thể ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân và bị cơ quan chức năng can thiệp.
 

Ximang.vn

Số lượt xem : 4388