lukscementhue@gmail.com (0234) 3557 012

Tin tức ngành xi măng

Cập nhật lúc : 15:48 19/02/2019

Cải cách thể chế, chính sách về lĩnh vực VLXD đạt hiệu quả tích cực

Năm 2018 được đánh giá là năm thị trường vật liệu xây dựng phát triển ổn định, bền vững mà một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công này là do công tác cải cách thể chế, chính sách về lĩnh vực này đã được đẩy mạnh và hoàn thiện hơn nữa.


Công tác phổ biến pháp luật, các quy hoạch được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; qua đó tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các chủ thể khác trong việc thực thi pháp luật.

Thực hiện các Nghị Quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của các địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các lĩnh vực vật liệu xây dựng và cơ khí ngành Xây dựng, năm 2018, Vụ Vật liệu xây dựng đã thực hiện 265 văn bản. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý thực hiện hàng loạt các quy hoạch khác.


Nhờ nỗ lực cải cách thể chế nên kết quả sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp đều khả quan: Về sứ vệ sinh: Sản lượng sản xuất và tiêu thụ năm 2018 dự kiến đạt khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng 10% so với năm 2017; sản lượng sản xuất và tiêu thụ kính xây dựng năm 2018 dự kiến đạt khoảng 265 triệu m2; sản xuất và tiêu thụ vôi đạt trên 2,5 triệu tấn, tổng công suất các lò vôi công nghiệp (31 lò) là 2,495 triệu tấn/năm. Đến nay, đã xóa bỏ được 75% lò vôi thủ công.

Nhờ có sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực đổi mới của Bộ Xây dựng nên kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có những bước tiến đáng kể.

Trong lĩnh vực kính: Đã tôi nhiệt được kính có chiều dày 5÷19mm, khổ lớn nhất 2800mmx700mm; kính dán an toàn có chiều dày 6,38÷25,52mm, khổ lớn nhất 2134mmx3048mm; kính siêu trắng có chiều dày 2÷19mm, khổ lớn nhất 2134 mmx4600mm.

Lĩnh vực sứ vệ sinh: Một số đơn vị đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao; đầu tư phát triển các phụ kiện đồng bộ hiện đại, góp phần tăng giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm.

Lĩnh vực gạch ốp lát: Công nghệ và thiết bị ngày càng được đầu tư đồng bộ, tiến tiến, hiện đại với modul công suất lớn đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm gạch ốp lát với chủng loại đa dạng như gạch ceramic, gạch granit, gạch cotto, gạch mosaic có kích thước lớn, sản phẩm mỏng, trọng lượng nhẹ; màu sắc hoa văn phong phú…

Lĩnh vực xử lý tro, xỉ, thạch cao: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12249:2018 tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp, yêu cầu chung đã được công bố.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn tham gia thẩm định, góp ý các quy hoạch phát triển vật liệu địa phương; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện đối với nhiều địa phương, doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao….

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung đã được ban hành nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện, doanh nghiệp đầu tư chưa được hưởng ưu đãi.

Một số địa phương chưa xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; việc đầu tư cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên ở nhiều nơi, tuy nhiên, tiêu thụ còn hạn chế.

Các chủ dự án công trình xây dựng và chính quyền địa phương bị động trong việc cân đối nguồn cung cát xây dựng, việc sử dụng nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên, còn rất hạn chế (do nhiều nguyên nhân như: Thói quen, tập quán, giá cát nghiền cao, vật liệu tro, xỉ, phế thải thay thế làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp chưa được khuyến khích và có chế tài bắt buộc sử dụng). Do đó, các công trình hiện nay vẫn tập trung sử dụng cát tự nhiên dẫn đến khi nguồn cung thiếu đẩy giá cát xây dựng tăng.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật như: Xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng cho phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản và một số luật khác liên quan.

Soạn thảo Thông tư hướng dẫn trong việc kiểm tra, kiểm soát các chỉ tiêu tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, phát thải môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng của các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Chủ trì tổ chức lập nhiệm vụ “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Chủ trì xây dựng “Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050”.

Đồng thời, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực vật liệu xây dựng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại một số địa phương; rà soát các quy hoạch về khoáng sản làm vật liệu xây dựng; hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn; rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước…

ximang.vn (TH/ Xây dựng)

Số lượt xem : 4640